600.000 tỷ đồng nợ xấu có thể xây được 3 sân bay Long Thành
600.000
tỷ đồng nợ xấu có thể xây được 3 sân bay Long Thành
Việc xử lý nợ xấu được kỳ vọng giúp khơi thông nguồn vốn trong
nền kinh tế, song cũng gây lo ngại sẽ tạo ra đặc quyền cho ngân hàng.
Thảo luận dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín
dụng sáng 7/6, các ý kiến tại Quốc hội đều thống nhất quan điểm nợ xấu đang gia
tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế... nên cần cơ chế
tháo gỡ pháp lý để xử lý dứt điểm "cục máu đông" này.
Là
lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), đại biểu
Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nợ xấu phát sinh trong hoạt động của nhà băng
là tất yếu. Một khi còn cho vay thì còn nợ xấu. Dù ngành ngân hàng đã nỗ
lực xử lý nhưng nợ xấu vẫn tiềm ẩn và hiện còn gần 600.000 tỷ đồng (tương đương
10,08% tổng dư nợ) đang cần xử lý. Trong số tiền mang đi cho vay này, tới 90%
là của người dân, ngân hàng chỉ có 10%.
"Việc
xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ hoạt động tổ chức tín dụng, còn
bảo vệ người gửi tiền. Làm sao để đưa 600.000 tỷ này quay trở lại để phục
vụ tăng trưởng kinh tế khi mà nguồn lực còn hạn chế", ông Thắng nói.
Chủ
tịch VietinBank so sánh con số gần 600.000 tỷ đồng nợ xấu đang "tắc",
nếu xử lý được sẽ đủ tiền để xây dựng 3 sân bay Long Thành mà Quốc hội đang
bàn. "200.000 tỷ đồng cần có để xây dựng sân bay chúng ta đã thấy rất khó
khăn rồi, nhưng ở đây là 600.000 tỷ. Nếu giải quyết được sẽ khơi thông vốn rất
nhiều cho nền kinh tế", ông Thắng nêu
Khó thu hồi tài sản bảo đảm
Từ
thực tế hoạt động thi hành án dân sự, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho hay,
việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu là rất khó khăn, nhiều trường
hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án. Bà Trang cho
rằng, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ, tổ chức tín dụng khi thu hồi tài sản
đảm bảo sẽ tự làm hay được thuê lực lượng khác thu hồi.
"Trong
quá trình thu hồi tài sản, nếu có tranh chấp, khiếu nại tố cáo thì giải quyết
thế nào? Cần làm rõ những vấn đề này trong nghị quyết nếu không việc xử lý nợ
xấu sẽ vào vòng luẩn quẩn và nghị quyết sẽ không có hiệu quả trong thực tế”, bà
Trang nói.
Tán
thành, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, xử lý tài sản đảm bảo cần hài hoà lợi
ích giữa một bên là tổ chức tín dụng, một bên là người có tài sản bị thu giữ.
Nếu quy định thời gian thu giữ "10 ngày sau khi có thông báo" như dự
thảo Nghị định nêu, bà Mai cho rằng quá ngắn. "Hiến pháp quy định rõ quyền
công dân có nhà ở, vì thế nên cần kéo dài thời hạn này trong dự thảo", đại
biểu Mai lưu ý.
Đại
biểu Phạm Phú Quốc và Nguyễn Sơn thì đề nghị bổ sung vào dự thảo nguyên tắc
không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Đồng thời Chính phủ cần làm rõ trách
nhiệm những tổ chức cá nhân có vi phạm trong xử lý nợ xấu. “Tôi đồng tình
rằng mua bán nợ xấu cần theo giá thị trường nhưng phải công khai minh bạch”,
ông Nguyễn Sơn nêu quan điểm.
Đại
biểu Hoàng Văn Cường thì lưu ý, dự thảo Nghị quyết cần quy định chặt chẽ, nhưng
tránh đưa ra cơ chế quá mở, khiến người dân lầm tưởng Quốc hội tạo ra cơ chế
độc quyền, đặc quyền cho các tổ chức tín dụng, như quy định bán thấp hơn giá
trị ghi sổ.
Giơ
biển xin tranh luận song thực chất là muốn hiến kế hướng xử lý nợ xấu nhanh
nhất, đại biểu Trần Quốc Khánh đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có báo cáo
chi tiết địa chỉ tổ chức, cá nhân đang gây ra nợ xấu, để trên cơ sở đó Quốc hội
sẽ xem xét, xử lý.
"Tổ
chức cá nhân nào có nợ xấu do thiên tai, bão lũ thì Quốc hội xem xét xoá nợ.
Nhưng nợ do tham nhũng thì phải truy tận gốc, tận ngọn. Thậm chí, những ai gây
nguy hiểm cho xã hội làm thất thoát tài sản Nhà nước thì phải xử lý về hình
sự", đại biểu Khánh đề nghị.
5 năm, khởi tố gần 200 cán bộ ngân hàng
Giải
trình trong phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho
biết, thời gian qua, thông qua công tác thanh tra giám sát, cơ quan này đã
xử lý nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật gây ra
tổn thất và nợ xấu cho cơ quan điều tra.
Thống kê năm 2011-2016, lực lượng của Bộ Công an (không bao gồm
các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong
lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ.
"Chỉ
tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố
tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ, trong đó có nhiều người
là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị...
với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm", Thống
đốc cho biết.
Riêng
Agribank, từ năm 2013 đến nay, đã xử lý trách thiệm 352 cán bộ. Đặc biệt trong
giai đoạn tái cơ cấu vừa qua đã khởi tố điều tra 65 vụ án tại ngân hàng này, xử
lý hình sự 122 cán bộ.
Ông
thừa nhận, công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước thời gian
qua còn hạn chế, còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống tổ chức
tín dụng trong tình hình mới. "Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hoá
biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái
các quy định. Các hành vi vi phạm này trong thời gian qua đã, đang và sẽ được
xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Thống đốc nói.
Tại
dự thảo Nghị quyết lần này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Chính phủ
đã bàn rất kỹ, không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện
cho các tổ chức tín dụng, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Ông Hưng cũng
thông tin, tỷ lệ nợ xấu tới 31/12/2016 tính đầy đủ (nợ VAMC mua về chưa xử lý
được, nợ cơ cấu lại có khả năng thành nợ xấu...) là 10,08% tổng dư nợ.